Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

KHOÁC ÁO...LÀ CHẾT ĐI...


“Khoác trên mình tấm áo chùng thâm là anh em cũng phải chết đi cho thế gian, chết đi cho cái tôi ích kỷ của mình để sống cho Chúa…” là lời của linh mục Louis Bertrand Cao Đức Thuận - Tổng Phụ trách Hiệp hội Thánh Phaolô Tông đồ Dân ngoại trong thánh lễ tạ ơn kỉ niệm 3 năm cam kết trọn đời của mình, và trao tu phục cho 6 anh em vừa hoàn thành giai đoạn Thỉnh Sinh để bước tiếp vào chương trình đào tạo tại Học Viện của Hiệp hội.

Thánh lễ diễn ra lúc 5g00 sáng thứ sáu, ngày 03/07/2020, tại nguyện đường Thánh Giuse, số 150 Bùi Thị Xuân, Phường 2, Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh, với sự hiện diện của các nữ tu thuộc Tu hội Emmanuel Hải Phòng, ban cố vấn và những anh em hiện là trưởng các cộng đoàn của Hiệp Hội như cộng đoàn Phạm Văn Hai, cộng đoàn Bình Tân, cộng đoàn Cách Mạng Tháng Tám.



Trong bài giảng, linh mục Tổng Phụ trách đã gợi lên những ý nghĩa rất cao đẹp của tấm áo dòng trong đời sống của người tu sĩ : “Tấm áo dòng không phải là thứ anh em khoác lên để cho người ta kính trọng, vị nể mình, nhưng nhắc nhở anh em về sự khiêm tốn cần có với mọi người. Vì tôi là người của Chúa, là người thuộc về Chúa, khoác trên mình tấm áo ấy gợi cho tôi cảm thức gì khi sống giữa thế gian?; tấm áo dòng có thể làm cho anh em trở nên xấu đi hay cảm thấy bất tiện về một số phương diện, nhưng nó lại thách thức anh em biết nhìn nhận hành động trau truốt ở bên trong tâm hồn mới là điều đẹp đẽ và cần thiết…Ngài nhấn mạnh: “Ngày hôm nay, anh em lãnh nhận tu phục cũng đồng nghĩa với việc anh em chọn đi vào con đường Giêsu để cùng sống với Ngài, ở với Ngài, để được Ngài dạy dỗ, bảo ban và biến đổi nên giống Ngài. Khoác trên mình tấm áo chùng thâm là anh em cũng phải chết đi cho thế gian, chết đi cho cái tôi ích kỷ của mình để sống cho Chúa”. Sau bài giảng là nghi thức làm phép và trao tu phục cho các anh em.



Tính cho đến nay, Hiệp Hội Thánh Phaolô Tông đồ Dân ngoại đã đi được 2 phần 3 chặng đường thử nghiệm để trở thành một Tu đoàn đúng nghĩa theo Giáo luật của Giáo Hội. Tuy mới thành lập từ năm 2016, nhưng số thành viên đã lên tới 80 anh em, đây là dấu chỉ tốt đẹp đầy hứa hẹn do lòng thương xót của Thiên Chúa ban cho Hiệp Hội. 

Linh mục Tổng Phụ trách cho biết: Năm nay, Hiệp Hội sẽ dự kiến tổ chức Thánh lễ Khấn cho các thầy chuẩn bị khấn đơn và khấn trọn vào ngày 22/8, tại nguyện đường nhà Tập, số 24 Đông Bắc Quang Trung, khu phố 1, Phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, Tp. Hồ Chí Minh.



Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

HOÀI NIỆM VỀ CHA

Chiều rơi, khoảng không dần lắng xuống, mọi thứ xung quanh trở nên mờ nhạt, những đàn chim kéo nhau về tổ. Tôi tản bộ về phía dãy nhà bên kia đường cho kịp bữa tối, rồi chợt nhớ ra đám bạn cùng phòng đã về quê hết, vậy là chỉ mỗi mình nhẩn nha gậm nhấm nỗi cô độc. Giữa xứ trời Âu này, giữa những khu phố ồn ào, nhộn nhịp nhưng sao lòng người lại thấy đơn côi, lạc lõng giữa dòng người xuôi ngược. Bất giác, tôi dấy lên nỗi nhớ nhà da diết, nhớ về quê hương nơi tôi lớn lên, về người ba và cũng là người bạn tri kỉ năm nào giờ đã ở mãi thế giới bên kia. Cuộc đời luôn có những khoảng lặng đủ để mình thương tưởng về một miền kí ức xa xăm. Tôi ngồi xuống hàng ghế đá ven đường, nghe thời gian miên viễn về những ngày rêu phong ấy.

Thời bao cấp khốn khó trăm bề, nhiều người chẳng có lấy đất hay ruộng để làm sinh kế. Giữa những túng quẫn ấy, lòng người nhiều khi dao động đến cả luôn niềm tin vào cuộc sống. Nhưng ba tôi, ngày ấy, vẫn không mất đi nghị lực của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Ba cùng mấy anh em thân thiết, người bò, người cộ, người nhu yếu phẩm lên rừng xẻ gỗ trên mạn ngược. Cứ độ đầu tháng ba lại đi một lần, ba đi biệt cả hai tuần mới về. Vì thế, kí ức tuổi thơ của tôi về ba thật mờ nhạt, ba không có nhiều thời gian cho tôi, ba phải mưu sinh lo cho cuộc sống của cả gia đình. Tôi còn nhớ lần ba bị sốt rét khi đi rừng, lúc đó tôi còn quá nhỏ để hiểu được ba phải đau đớn với căn bệnh như thế nào, mẹ đã phải lao đao vất vả, chạy đôn chạy đáo để lo chữa trị cho ba. Tuổi thơ, tôi gắn liền với những viên đường phổi. Mỗi lần đi rừng về ba đều có quà cho tôi, dù chỉ là những viên đường phổi còn dư, ba cất lại để dành cho tôi, nhưng tôi nhảy lên vui sướng khi nhận từ tay ba những viên đường đó. Tuổi thơ, tôi vẫn mong ba về. Đứa trẻ nào cũng thích có quà, nhưng chẳng phải vì viên đường phổi mà tôi mang ba. Mãi sau này, tôi cũng chẳng nói cho ba nghe, thật ra, những năm tháng đó, ba về, đó đã là món quà mà tôi mong mỏi nhất cuộc đời.

Những bài học ba dạy tôi vẫn như còn văng vẳng trong đầu. Tôi vẫn còn nhớ năm đó tôi nằng nặc đòi mẹ mua xe máy. Tôi đưa ra đủ thứ lý dó: “con đã lớn rồi, bạn bè con ai cũng có xe máy, con cần xe để đi học, …”. Ba không trách móc tôi một lời. Ba ân cần giải thích cho tôi hiểu: “nhà mình còn nhiều thứ phải lo, đời sống gia đình mình cũng không khá giả gì, ba thấy việc mua xe máy cũng chưa thật sự cần thiết lúc này”. Với cái tuổi ngang bướng lúc đó, tôi chẳng nghe lọt tai được một lời nào của ba cả. Trong bữa cơm hôm đó tôi đã đập chén cơm còn lưng và bỏ đi tới nhà bạn. Ba không bao giờ mắng tôi dù là những điều nhỏ nhất, những gì ba dạy tôi thành người chỉ là hành động và cách sống của ba.

Tôi còn nhớ vào những dịp lễ tết, mọi người trong nhà ai cũng phấn khởi vì chuẩn bị sẽ có quần áo mới, chuẩn bị trang hoàng nhà cửa đón năm mới. Riêng ba, ba không đòi hỏi bất cứ thứ gì. Mẹ nói sẽ mua quần mới cho ba, ba nói quần còn mang được; mẹ nói mua giày mới, ba nói giày đâu có đứt quai, mới mang được mấy lần. Giờ đây ngẫm lại, hình ảnh ba tần tảo, gầy mòn làm tôi cảm thấy thật sự có lỗi với ba.

Tôi đọc đâu đó: “Sẽ rất đau đớn khi bạn yêu một người nào đó mà không được đáp lại. Nhưng càng đau đớn hơn khi bạn yêu thương một ai đó mà không đủ dũng cảm để nói cho người đó biết bạn yêu người đó đến nhường nào”. Tự dưng tôi cảm thấy lòng mình trống rỗng, tự dưng lục tìm trong kí ức rồi tự hỏi bản thân đã bao giờ nói lời yêu thương với ba chưa? Con thật ích kỉ phải không ba? Tôi đã quên mất rằng tôi chỉ biết nhận mà chưa bao giờ biết cho đi, chưa bao giờ quan tâm đến ba dù chỉ là một lời hỏi thăm lúc ba đau yếu.

Ngày tôi bước vào cổng trường Đại học cũng là ngày ba lìa xa tôi, xa lìa tổ ấm nhỏ. Tôi đã không ngăn nổi những giọt nước mắt khi nghe tin ba đột ngột qua đời. Khi tôi về đến nhà thì ba đã nằm im, gương mặt vẫn hanh hao nhưng đầy mãn nguyện. Một sự im lặng bao trùm căn phòng. Trong những lời nhắn gửi cuối cùng trước lúc ra đi, ba có nhắc đến tôi: “Ba không còn đủ thời gian để chờ ngày con thành công, nhưng ba tin con sẽ làm được, con sẽ đạt được ước mơ của mình, con hãy bước từng bước thật chắc, cố lên con trai”. Nghe mẹ kể lại những lời nói của ba, tôi không ngăn được cảm xúc của mình và cứ thế khóc nấc lên như một đứa trẻ ngày xưa, khi mất đi một món quà.

Thời gian thấm thoát trôi qua, thế là tôi cũng đã chập chững bước đi trên con đường mang tên “cuộc sống” của chính mình. Chặng đường ấy sẽ không xanh tươi, đẹp đẽ như vậy nếu không có công sinh thành dưỡng dục của ba. Lúc nào tôi cũng tự nhủ điều đó, nhưng vì một chút xấu hổ, e dè mà tôi chẳng bao giờ nói ra.

Những điều ba đã làm, đã hy sinh cho tôi tôi không thể đếm hết. Tôi chỉ có thể nói ngay lúc này lời cảm ơn với ba: “Con cảm ơn ba vì đã sinh ra con, cho con có mặt trên cõi đời này, cho con làm con của ba”. Tôi đang sống một cuộc sống riêng của tôi, đôi lúc tôi thấy buồn và trống trải. Tôi không biết liệu tôi có thể tự lập, có thể sống tốt như những gì ba dạy hay không? Nhưng có một điều tôi luôn chắc chắn rằng: tôi sẽ chẳng bao giờ cô đơn vì ở nơi nào đó ba sẽ luôn dõi theo tôi, soi sáng cho tôi trong suốt cuộc đời.

Tác giả: Đăng Vũ

VIẾT VỀ CHA

Lâu nay, hình ảnh tốt lành của người cha đã trở thành nguồn cảm hứng cho mỗi cuộc đời, mỗi con người. Những tảo tần, vất vả của cuộc sống mưu sinh đều in hằn trên khuôn mặt dấu yêu của cha. Những nếp nhăn, mái tóc bạc, bàn tay thô ráp và đôi vai gầy guộc là những chứng tích thành lời của một cuộc đời hy sinh. Dẫu quy luật “tre già măng mọc có gì lạ đâu!”, nhưng không có tre già che chở thì làm sao măng có thể thành hình? Chắc hẳn cuộc đời mỗi người con nếu không có đôi tay người cha thì làm sao khôn lớn thành người. Cha đã chuyển trao cuộc sống, sức trẻ và cả những mơ ước cho con. “Ngày của cha” cho ta cơ hội để ngẫm nghĩ về cha, để tình yêu và nỗi nhớ luôn chất chứa trong lòng mỗi người con.

Tiếng nói bệp bẹ đầu tiên của trẻ nhỏ là “ba ba, ma ma…” Tiếng gọi ấy khởi phát từ niềm tin và tình yêu của trẻ nhỏ vào người cha, người mẹ. Qua đó ta thấy được vai trò khơi mào nhân cách của cha mẹ nơi con cái. Tâm hồn con trẻ như trang giấy trắng để cha là người họa sĩ vẽ lên những đường nét đầu tiên trong bức tranh cuộc đời của người con. Khi mới bập bẽ biết nói, cha dạy con hai tiếng cám ơn. Khi chập chững những bước đầu đời, cha dạy con nghị lực đứng dậy. Rồi cha dạy con bài học yêu thương, chia sẻ khi cùng con trên đường đến lớp. Cha chỉ cho con chữ tín trong đời trước khi con bước vào cuộc sống xa quê. Rồi khi con lầm lỗi, cha sửa dạy nhưng không loại trừ, cha trừng phạt nhưng không ghét bỏ, cha đồng cảm chứ không thoả hiệp với lỗi lầm của con. Để rồi từng ngày, tình thương của cha đã cho con nghiệm được tình yêu con người là gì.

Cha đã vun trồng cuộc đời cho chúng con. Những mầm cây non cần được chăm sóc kỹ lưỡng. Chúng cần những mảnh đất tơi sốp, cần đến ánh nắng mặt trời. Chúng cũng cần được che chắn khỏi những cơn giông tố, khỏi cái nóng gay gắt. Chúng cần một chế độ tưới bón kỹ càng. Chúng cần được cắt tỉa, phong ngừa những dịch bệnh. Để rồi, hy vọng rằng, chúng sẽ trở thành những tán cây vững trải giữa sóng gió cuộc đời. Cha ơi, cuộc đời chúng con như một tán cây có thể đứng vững là nhờ được chăm sóc khi còn thơ dại. Gia đình là mảnh đất tơi xốp để cây non nớt bám vào hút nhựa mà sống. Như ánh mặt trời, cuộc sống cho chúng con những mục tiêu để vươn lên. Thế nhưng, không có đôi tay chăm ẵm, không có sự lao nhọc xới bón của cha thì cuộc đời non yếu của chúng con sẽ bị dập nát dưới sự tàn phá của những cơn giông tố. Cha là người tuyệt vời vì đã ươm trồng cuộc đời chúng con trong mảnh đất yêu thương của tình cha.

Không cho con sự giàu sang phú quý, nhưng cái quý nhất cha cho con là tình yêu. Thánh Giáo hoàng Gio-an XXIII kể lại rằng: khi còn nhỏ, cha là người hay dẫn ngài đi tham dự các nghi lễ tại nhà thờ. Một ngày kia, hai cha con phải lặn lội một ngày trời để có thể tham dự lễ hội tại nhà thờ chính tòa. Đến nơi, ngài đã thất vọng vì đoàn người tham dự rất đông, mà ngài lại thấp bé. Ngài chẳng trông thấy gì cả! Không ngần ngại, người cha đã cõng ngài trên vai, và ngài đã nhìn thấy toàn bộ khung cảnh của buổi lễ. Ngài vui mừng khôn xiết! Sau này, trong cuộc đời giáo hoàng, khi vất vả hay khó khăn, ngài nhớ lại hình ảnh đôi vai ngày nào của người cha. Qua đó ngài có thể cảm nhận tình yêu sống động của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng đang nâng ngài lên như cha ngài ngày xưa. Bằng chính cuộc đời và tình thương thầm lặng, cha đã chỉ cho con Thượng Đế là ai và tình yêu của Ngài cao cả biết chừng nào! Cha không giảng thuyết hùng hồn, không suy tư sắc sảo, nhưng cha đã định hướng cuộc sống tâm linh của con bằng giờ kinh gia đình, bằng niềm tin, sự phó thác và tình yêu nơi Thiên Chúa. Là thầy dạy Đức Tin, cha đã cho con điều quý giá nhất mà cha xác tín.

Những khó khăn, vất vả của cuộc sống gia đình đổ dồn lên đôi vai cha. Nuôi nấng con cái thành người đã bào mòn sức lực của cha. Cha bươn trải với đời để cho con miếng cơm manh áo. Cha đánh đổi sức lực của mình để dành lấy cho con một tương lai rạng ngời. Cha đã quên những đam mê thời trai trẻ, đã xa rời thời kà kê ở chốn ăn chơi. Nhờ đó, sự khôn lớn từng ngày của chúng con được cha hết mực quan tâm. Gác lại những dự tính cho riêng mình, cha đã hy sinh cuộc đời cho chúng con!

Lời tri ân dành cho cha nói sao cho xứng. Cuộc đời con có thể vươn xa trên con đường hạnh phúc là vì con đang tựa vào bờ vai vững chãi của cha. Cám ơn cha đã cho con sự sống; tri ân cha đã cho con cuộc đời; biết ơn cha đã dẫn con đến với Thiên Chúa và chúc tụng Chúa đã cho con có cha!

Chúc cha luôn bình an và hạnh phúc trong cuộc đời! Đặc biệt ngày hôm nay, Chúa nhật thứ 2 của tháng 6, cha của con và con của cha luôn nhớ nhau trong lời cầu nguyện!

Mừng ngày của cha,

Giuse Bùi Thế Dũng, S.J.

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2020

Ở TUỔI TÔI...


Ở tuổi tôi, người ta thế này, hay họ thế kia ? Còn tôi thì… !
Câu hỏi vẫn thường ẩn hiện bấy nay trong đầu óc, thấp thoáng trên cửa miệng, đâu đó giữa đám đông. Người ta vẫn thế đó ! Lẽ tự nhiên, ta thường ngả mình theo kiểu “đứng núi này trông núi nọ”.
Ở tuổi tôi,
Có người đang phải chật vật với những căn bệnh tê tái xác thân từng ngày
Có người lang thang vô định trên từng con phố ngả đường
Có người la cà trong từng tiệm nét quán bar
Có người dìm mình trong thế giới của thứ ma mãnh tội tình
Có người vật lộn với từng miếng cơm manh áo
Có người lại đầy đủ tiện nghi không khi nào thiếu chẳng lúc nào vơi
Có người chìm trong bóng đêm của tuyệt vọng
Có người lại phủ đầy ánh sáng củ hào quang danh vọng.
Đủ người đủ cảnh…
Ở tuổi tôi,
Kẻ xấu người tốt
Kẻ tối tăm người rạng rỡ
Kẻ buồn đau người hạnh phúc
Kẻ nghèo hèn người giàu sang
Kẻ gồng cùm người tự do
Kẻ đói khát người đầy dư
Kẻ khốn đốn người thảnh thơi
Kẻ làm không vơi người hưởng không kịp
Kẻ thế này người thế nọ…
Ở tuổi tôi, họ thế đó còn tôi thì sao?
Ở tuổi tôi, người ta được thế này sao tôi lại phải chịu thế kia?
Ở tuổi tôi, họ như thế kia, sao tôi lại phải thế này?
Ở tuổi tôi, người ta phải chịu thế đó, sao tôi lại được hưởng thế nọ?


Trong thế khập khiễng với người, ta đâu ngờ lại sa lầy vào nhiều cạm bẫy. Bởi nó, ta có thể sẽ không đủ tỉnh táo nhận ra thứ ảo tưởng vô nghĩa về sự hoàn hảo của con người trong suy nghĩ, nó khiến ta không dễ chấp nhận một sự thật lâu nay, “nhân vô thập toàn”. Không những thế, nó còn khiến ta dễ dàng đổ lỗi cho cuộc sống bất công, khiến ta dễ nản lòng dễ chán trường hơn bình thường. Hơn nữa, cạm bẫy ấy vô tình đẩy những đồng minh của ta thành những đối thủ thật đáng gờm.

Có lẽ chuyện so chuyện sánh vẫn còn đó, “đứng núi này trông núi nọ” không dễ mất đi vì những chuyện “tỉ ti” ấy là lẽ tự nhiên của bản tính con người. Nhưng trong cái dở lại có cái hay. Mặc dầu chuyện ấy đưa đến những kết quả chẳng mấy hay ho nhưng nó cũng góp phần làm nên con người thật của ta. Sống trong các mối tương quan khác nhau, ta thường có xu hướng “soi” vào người khác để nhận biết bản thân mình và hành xử theo những gì người khác mong đợi. Ngang qua chính những kinh nghiệm cá nhân, cũng như ảnh hưởng của những người xung quanh, ta sẽ nhận ra mình: tôi là ai? Tôi sẽ là người như thế nào? Họ muốn tôi là người như thế nào?… Nhờ chính chuyện “soi mói” nhức nhối với không ít người như thế, ta có thể nhận ra mình tốt hơn. Đó như dịp thích hợp xét lại những ý nghĩ, duyệt lại thái độ, củng cố giá trị, nhất là sự tự ý thức của ta. Những điều ấy gắn liền với hình ảnh bản thân của ta. Ta luôn biết chân nhận những giá trị cao quý của mình và sống thật với những giá trị ấy dẫu vẫn còn đầy chuyện so bì dẫu vẫn không thiếu chuyện sánh ví.

Trong cái bối rối của lối đi, ta có thể thử với cách thức 3T như một gợi ý nhỏ. Đầu tiên là tỉnh thức: dù không dễ một chút nào nhưng hãy ý thức mỗi lần so mỗi khi sánh, và cẩn thận với một thế giới bí ẩn đằng sau người khác. Thứ đến là tạ ơn: tạ ơn những điều tốt đẹp đang diễn ra trong cuộc sống hằng ngày vì điều ấy sẽ giúp ta bỏ dần cái nhìn ngang liếc dọc sang “núi” người cùng lòng ghen tị trong ta. Cuối cùng là thăng tiến: biến những lần so sánh thành cơ hội thăng tiến bản thân nhờ những người tốt và lối sống đẹp của họ. Nhờ thế, ta có thể hiểu được vai trò của ta của người trong bản hợp xướng của cuộc sống. Ta chơi thứ nhạc cụ của mình, người chơi thứ nhạc cụ của họ, nhưng mỗi người đều góp phần vào thành công của buổi biểu diễn ấy, và không ai có thể thay thế được ai.

Hơn nữa, dù người có rõ thế nào, hay ta có tỏ ra sao, thì những cái rõ cái tỏ ấy sánh sao với sự tỏ tường của Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự (x. 2 Cr 2,20). Nếu nhờ tương quan với người khác giúp ta biết mình thế nào, thì tương quan với Thiên Chúa còn giúp ta hiểu thấu chính mình hơn biết bao. Mỗi thời, mỗi nơi, mỗi tuổi, ta sẽ có những nét, những giá trị riêng để khám phá sứ mạng của mình trên cõi đời này để những so sánh kia, những cái nhìn kia “khập khiễng” không lìa xa thực tế, hiện tại của mỗi người. Thiên Chúa vẫn đang nâng niu từng người, chăm sóc ta và người theo cách rất riêng. Trong Người, ta là ta chứ không phải người ta.

Lyeur Nguyễn
Nguồn: https://dongten.net/2020/05/17/o-tuoi-toi/

TÔI LÀ TÔI


Mỗi người sinh ra trên thế giới này đều có tính độc nhất. Tôi là tôi, chứ tôi không là người khác. Cũng chẳng ai khác trên đời này có thể thay thế được chỗ đứng mà Tạo Hoá đã dành cho tôi khi đưa tôi vào hiện hữu, dù người đó có tài giỏi đến mức nào, cao sang đến mức nào, giàu có đến mức nào hay thậm chí là gần gũi với tôi đến mức nào. “Tính độc nhất” này, ai trong chúng ta cũng biết, nhưng ít bao giờ chúng ta để tâm đến và sống chiều kích ấy một cách toàn vẹn. Cái mà người ta vẫn hay gọi là “nên thánh”, xét ở một khía cạnh nào đó, dường như cũng chỉ là trở về với cái “là-chính-mình”, đón nhận nó và thể hiện nó trong đời sống với một lòng biết ơn sâu thẳm.
Ừ, tôi là tôi, tôi cứ sống như tôi là, tôi cứ phô bày ra trước mắt người khác một hình ảnh thật sự của tôi. Chẳng cần phải đeo mặt nạ, chẳng cần phải giả vờ hay chẳng cần phải gắng gượng tìm một cái gì đó thật đẹp để tô vẽ bản thân. Tôi không sống hai lòng, không có hai bộ mặt, không có hai con tim, không thay đổi cách ứng xử như chong chóng, không tìm mọi cách để hùa theo đám đông, không ép mình phải làm theo sở thích của người khác… Tôi sống cuộc sống của tôi, tôi không huỷ hoại tôi chỉ vì muốn làm người khác vui, tôi không khoác lên mình một hình ảnh giả tạo nào đó mà tôi thấy chẳng thoải mái chút nào…
Có nhiều khi tôi hay thích so sánh mình với người khác, thấy người ta sao tài giỏi, hào hoa, còn mình sao bất tài yếu kém. Nhìn đến người ta mà thấy tủi cho bản thân mình. Một thái độ đặt lên bàn cân so sánh với thái độ tiêu cực như vậy chẳng khác nào tự huỷ diệt hạnh phúc của mình. Người khác là người khác, chẳng có lý do tôi phải giống người khác. Và nếu tôi sinh ra cũng giống như người khác thì sức sáng tạo của Tạo Hoá thật nghèo nàn và kém cỏi quá chừng. Ai cũng có thế mạnh và điểm yếu riêng. Mỗi người đều có một đặc nét làm nên tính cá vị của người đó. Thái độ so sánh thường dẫn ta đến chỗ tự ti, trách móc, phàn nàn, khiến ta không thấy được tính bản chân của riêng mình, không thấy được những gì mình đang có là một hồng ân, một quà tặng lớn lao của Tạo Hoá.
Có nhiều khi tôi sống mà chẳng phải là sống cho chính mình. Tôi trở nên “tha hoá” giữa dòng đời đưa đẩy. Tôi không dám theo đuổi đam mê. Tôi không dám bày tỏ chính kiến. Tôi phải gồng mình để gìn giữ một diện mạo nào đó không phải của tôi. Tôi cười vì người khác, chứ không phải vì tôi. Tôi buộc phải nói những lời không xuất phát từ con tim tôi. Tôi cố gắng hành xử theo một cách thức ngược hẳn với phong cách của mình. Bỗng chốc, tôi phát hiện hình như mình đang sống cho ai đó, cho cái gì đó, chứ không phải cho chính mình. Tôi đã đánh mất tôi từ lúc nào không biết. Để rồi, khi không còn ai ở bên, tôi thấy mình lạc lõng như cánh bèo bị con nước đẩy đưa; thấy cô đơn chán chường vô cùng tận; thấy cuộc đời sao đầy những lọc lừa, giả tạo; thấy mất đi ý nghĩa của cuộc sống; thấy thế gian chỉ là một màn kịch chán ngắt chẳng bao giờ ngừng; thấy từng giây phút trôi qua là những trò đùa vô bổ; thấy từng nhịp đập và hơi thở là những tiếng ngao ngán của tâm hồn…
Bởi thế, hạnh phúc chỉ đơn là được sống trong cái chân lý đơn giản “tôi là tôi”. Tôi được trở về là chính bản thân mình một cách tự nhiên như nó vốn dĩ, không một chút gượng gạo khó chịu nào. Đón nhận bản mình như nó là, là một lời cảm ơn chân thành nhất dành cho Tạo Hoá, Đấng đã cho ta hiện hữu như thế, Đấng đã ưu ái tạo nắn ta là một cá thể độc lập duy nhất giữa vũ trụ bao la này, chứ không đưa ta vào một quy trình sản suất hàng loạt. “Tôi là tôi”, hệt như con chim tung bay trên bầu trời, thoả sức soãi cánh chơi đùa với những tầng mây, du ngoạn từ đỉnh núi này đến đỉnh núi nọ, chứ không bị nhốt trong lồng để chỉ làm trò vui cho người khác.
“Tôi là tôi” chính là sống lời mời gọi làm chủ bản thân mình. Tôi là chủ nhân của chính tôi, tôi là người chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình, tôi là người quyết định hạnh phúc của mình. Tôi chẳng nhất thiết phải sống theo một hình ảnh nào đó người ta gán cho tôi mà tôi thấy nó chẳng phù hợp với mình. Tôi không chối bỏ những khuyết điểm của mình nhưng sẵn sàng nhìn nhận nó và từ từ sửa đổi. Tôi khảng khái nhìn ra những tài năng của bản thân và dùng nó để giúp mình được triển nở cũng như để cống hiến cho xã hội. Tôi biết tôi thích điều gì và tôi quyết tâm theo đuổi nó để xây đắp niềm hạnh phúc. Còn điều gì tôi không thích, thì đơn giản là không thích thôi, chứ chẳng cần phải giả vờ là thích.
Mọi cái đều sẽ qua đi, danh vọng, sắc đẹp, công việc, tiền tài… ông bà, cha mẹ, người thân, bạn bè… chỉ còn lại một cái duy nhất sẽ đi với tôi mãi: đó chính là tôi. Đây là cái gốc của tôi. Dù chuyện gì có xảy ra đi nữa, tôi vẫn cứ là tôi. Đây là người bạn duy nhất chẳng bao giờ lìa khỏi tôi. Cuộc hành trình dương gian, cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc, chính là cuộc hành trình đi tìm lại “bản thân tôi” mà bấy lâu nay tôi đã đánh mất. Hay nói đúng hơn, đó là một nỗ lực gột rửa những lớp bụi bẩn đang bấu víu con người mình, để tôi được trở về là chính mình, sống cuộc sống của mình theo một cách thức chân thực và hoàn hảo nhất.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

CÁI SAI CỦA CHÚNG TA

Trong tương quan với người khác, cái sai của chúng ta là lúc nào cũng cho mình đúng. Ừ thì cũng có lúc mình đúng nhưng điều đó đâu có nghĩa là chẳng bao giờ ta sai. Nói lời nào, đưa ra quyết định gì, dĩ nhiên ta luôn có lý lẽ cho nó, nhưng luôn cho mình là trọng tâm của chân lý để rồi buộc người khác phải luôn nghe mình, làm theo những gì mình muốn là một cái sai vô cùng trầm trọng. Cho mình đúng, ta bịt tai trước người khác, ta phủ nhận mọi điều khác. Ta cãi chày cãi cối để chứng minh mình đúng. Dù có khi biết rõ là sai, ta vẫn cứ cố gắng lấp lem, bẻ cong chân lý, lôi kéo chân lý về phía mình.

Cái sai của chúng ta là hay vội vàng kết án người khác. Ta kết án ngay cả khi chưa biết rõ trắng đen thực hư câu chuyện thế nào. Ta kết án chỉ vì người khác không hành xử theo những đòi hỏi và tiêu chuẩn của bản thân. Thêm vào đó, một thái độ vội vàng làm cho những phán đoán của chúng ta trở nên thiếu cơ sở. Chẳng biết từ đâu, ta lại tự cho mình vị thế của một quan toà, đem người khác vào vòng suy diễn của ta rồi gán cho họ những nhãn mác của riêng ta. Con người xa cách nhau có lẽ cũng vì như thế.

Cái sai của chúng ta là chỉ biết xăm xoi người khác mà thiếu nhìn đến bản thân. Ta luôn đủ lý do để bao che và bào chữa cho những sai lầm to lớn của mình, chứ khi ít nào chịu thông cảm cho một lỗi nhỏ li ti của người khác. Ta yêu bản thân mình, phải, đó là điều tốt, nhưng yêu đến mức làm ngơ những điểm tối của bản thân là điều không thể chấp nhận. Phải chăng do đôi mắt luôn hướng về phía trước nên ta chỉ nhìn thấy người khác, chứ không thể nhìn ngược lại bản thân? Thử một lần nào đó soi gương chính mình, ta sẽ thấy những điều ta không thích nơi ngươi khác, hoá ra lại là phản chiếu những khuyết điểm của chính ta.

Cái sai của chúng ta là luôn ảo tưởng, xếp mình ở vị trí trung tâm của vũ trụ, luôn muốn người khác dòm ngó đến mình, mà quên mất rằng giữa cuộc đời này, ta chẳng là gì và suốt dòng chảy của lịch sử, mỗi chúng ta chỉ là những chấm nhỏ tạo thành. Nếu cuộc sống này là một câu chuyện dài thì ai trong chúng ta cũng là vai chính và đồng thời cũng là vai phụ. Ta có một truyện đời của mình nhưng người khác cũng có cái của riêng họ. Có là trung tâm của vũ trụ hay không dường như không phải do ta tự quyết định. Thử hỏi, giữa thế giới này, có bao nhiêu người biết đến ta, rồi trong số đó, có bao nhiêu người thân thiết với ta, có bao nhiêu người xem ta là quan trọng với họ, có bao nhiêu người khóc cho sự ra đi của ta, có bao nhiêu người vì sự biến mất của ta mà cũng không còn tồn tại. Ít lắm, phải không?

Nếu có một ngày nào đó, khi ta bị tách biệt ra khỏi mọi người, phải sống cô đơn cô độc giữa một chốn hoang vu hay một nơi xa lạ, ta sẽ thấy được niềm hạnh phúc lớn lao khi có được ai đó sống bên cạnh mình, trò chuyện với mình. Những ai sống tha hương nơi đất khách quê người hẳn cũng có kinh nghiệm tương tự khi bất chợt trên đường phố nghe ai đó nói ngôn ngữ của mình, bằng giọng nói thân quen. Sao gần gũi và thân thương đến lạ! Tình người vốn dĩ là cái gì đó thật cao quý và chẳng điều gì có thể so sánh hay thay thế được. Vậy mà dường như lắm lúc ta không đủ trân trọng nó. Mất đi rồi, ta mới thấy hối tiếc. Hai con chó không quen biết nhau bị nhốt chung một chuồng. Ban đầu chúng còn cắn xé nhau, tranh giành nhau miếng ăn, nhưng sau đó thì trở nên thân thiết. Hai con người sống chung với nhau, ban đầu thì lịch sự đối đãi tốt với nhau, nhưng dần dần lại trở nên xa cách, thậm chí còn là kẻ thù không đội trời chung với nhau. Tại sao vậy?

Con người trở nên cao cả hay nhỏ mọn hệ ở việc người đó có sống chữ “tình” hay không. Đánh mất đi đặc tính vĩ đại này, con người bị xem là “không bằng loài cầm thú”. Trong cái tình ấy, có một chút bao dung, có một chút thứ tha, có một chút thương xót. Trong cái tình ấy, còn có cả sự hy sinh, nhẫn nhịn, chia sẻ. Tránh sao được những lần đụng chạm nhau, xung đột nhau vì những lợi ích này kia, nhưng giá như con người biết đặt chữ “tình” lên trên hết, hẳn là họ sẽ dễ dàng vượt qua được tất cả những hiềm khích và chia rẽ. Đó là bởi vì khi người ta sống bằng tình nghĩa, người ta không dùng quá nhiều lý trí để tính toán thiệt hơn cho bản thân, người ta đủ can đảm để im lặng nhằm tránh những cuộc cãi vả không cần thiết, người ta biết nhìn lại bản thân và dành một sự tôn trọng cho người khác.

Hạnh phúc của chúng ta tỉ lệ thuận với mức độ ta mở ra với thiên nhiên vạn vật và người khác. Càng mở ra, ta càng thấy mình cần phải nhỏ lại để được lớn lên. Để giữ gìn tình cảm giữa con người với nhau, tất cả phải cùng chung tay, tất cả phải có lúc chịu chút thiệt thòi và có khi phải chấp nhận lùi bước. Đừng trượt đi quá dài trong con đường cố chấp và bảo thủ, vì cái sai của chúng ta chính là từ chỗ này mà phát xuất ra, làm huỷ hoại những tương quan tốt đẹp của chúng ta và làm héo úa chính cuộc sống của chính ta nữa.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

ĐỂ CHO NỖI ĐAU LÊN TIẾNG


Nhiều năm về trước, khi tôi còn nhỏ, tôi được chứng kiến sự thay đổi của một chú chó, và nó có tác động rất lớn đến tâm thức của tôi.
Nhà tôi có nuôi mấy con chó, đứa nào cũng dễ thương vui vẻ. Nhưng có một con tính khí vô cùng nanh nọc, độc ác. Lúc nào cũng gầm gè như muốn cắn người đến nơi vậy!

Vào một ngày nọ, con chó đó mang bầu, càng ngày nó càng dữ dằn hơn. Không ai có thể đến gần được nó. Nó đã làm đau rất nhiều con khác trong nhà, trong làng… ai ai cũng khiếp sợ. Nhiều đứa trẻ mưu tính trả thù con chó khi có cơ hội, vì biết bao lần bọn chúng phải “tóe khói” vì nô đùa trước mặt nó. Nói chung là không ai ưa nó, nhiều lần tôi ném cho nó mấy gậy, tưởng chết được đến nơi rồi ấy! Nhưng sự ma lanh của nó luôn luôn chiến thắng tôi.

Rồi thời khắc chuyển dạ cũng đến, do chưa có kinh nghiệm làm mẹ nên các con của nó chết hết. Và chó mẹ thì rất yếu sức, nhìn rất tội nghiệp. Nằm bẹp một chỗ, không ăn không uống, lúc nào cũng chảy nước mắt. Thi thoảng nó chạy như điên đi tìm con, rồi yếu quá lại nằm một chỗ.

Thời khắc đó mẹ tôi bảo với tôi: “Vì yêu. Nên chó mẹ ra sức bảo vệ đàn con của nó, giờ đây nếu không chăm sóc tốt cho nó, con chó này dễ đi theo mấy đứa con của nó”. Mẹ tôi đã chăm sóc, lo lắng từng ly, từng tý một cho nó, nấu cháo cho nó ăn rồi mang nước vào hầu nó mỗi ngày… nó thay đổi lắm, không còn hoạnh họe hay cằn nhằn mỗi khi có người đi ngang nó nữa, mấy chị em của nó thì nằm cùng nhau, mấy đứa còn liếm vết thương chảy máu của nó, được một thời gian thì nó lành lặn trở lại, tôi đoán là cả thể xác và tâm hồn nó. Nó trở nên ngoan và hiền như mấy đứa kia, và cuộc sống của nó từ đó cũng thay đổi. Khi mẹ tôi chăm sóc cho con chó, tôi vẫn hay loay hoay đứng xem, nhưng chả bao giờ lại gần. Mẹ vẫn hay nhắc tôi:

“Nó đã đau rồi, nếu không yêu thương được nó thì cũng đừng làm nó đau thêm”.
“Nó vốn dĩ yếu thế hơn mình, mình phải bảo vệ nó bằng mọi giá. Phải tập thói quen yêu thương, cảm thông cho nỗi đau của người khác, không chỉ dừng lại ở con chó tội nghiệp này, mà cao hơn nữa. Ai trong đời này cũng đều có những nỗi đau riêng của mình”. Điều đó với tôi thực sự là rất khó hiểu!

Có lẽ bài học về cuộc đời đầu tiên, manh mún lên trong trí óc non nớt của tôi được khởi lên từ đó. Sau này, khi có những cơn đau trong đời, tôi mới thấu hiểu được giá trị của lời mẹ dặn năm xưa. Sinh ra làm người, ai cũng có những niềm đau riêng. Chỉ là có người sẽ thể hiện ra, có người sẽ dấu nó theo một cách riêng nào đó. Bước đi trong hành trình cuộc đời, tôi nhìn và nhận thấy rất nhiều điều.
Đặc biệt khi bước đi trong hành trình của một người học theo Thầy Giê-su.

Tôi đã học được cách để cho niềm đau lên tiếng, học cách tự xoa dịu nỗi đau của chính mình. Cũng từ đó tôi học cách cảm thông cho niềm đau- nỗi khổ của người khác, không còn muốn trừng phạt, chà đạp lên những con người đã làm đau tôi nữa mà chỉ muốn được giúp đỡ, muốn được ôm lấy cả những nỗi đau không chỉ của riêng mình mà cùng hiểu-cùng đau trên con đường tu tập.

Nhiều người đến và đi qua cuộc đời tôi, có những câu chuyện vẫn còn sống với tôi cho đến tận bây giờ. Tôi nhận ra trong những người đã trưởng thành vẫn còn đó một đứa trẻ, một đứa trẻ mang thương tích mang nỗi đau, đứa trẻ vẫn luôn mong muốn được chữa lành.

Những chấn thương tâm lý từ gia đình, cha mẹ, bạn bè, thời thơ ấu… sẽ làm gián đoạn quá trình phát triển lành mạnh của một đứa trẻ, điều này sẽ tạo ra những tổn thương, những sang chấn tâm lý trong đứa trẻ…Từ những phản xạ đó, chúng ta lại trao nỗi đau cho người khác. Và cứ thế chúng ta làm đau nhau trong vô thức.


Các bậc làm cha làm mẹ chưa thực sự thể hiện được vai trò của mình trong việc cung cấp và hỗ trợ các nhu cầu lành mạnh của con trẻ. Hậu quả rõ ràng cho việc đó là quá trình phát triển thần kinh cùng tâm lý bình thường và lành mạnh của trẻ từ sơ sinh cho tới giai đoạn trưởng thành bị gián đoạn nghiêm trọng.

Một điều dễ nhận thấy ở hầu hết các cặp vợ chồng khi gặp những tổn thương trong quá khứ và chưa được chữa lành lại tiếp tục truyền lại thương tích đó cho những đứa con của họ, và vô tình giữa cha mẹ và con cái có một khoảng cách vô cùng to lớn mang tên: “Thế hệ”. Họ đổ lỗi cho nhau; làm nhau đau, bước qua đời nhau với vô vàn những sai khuấy không được giải tỏa.

Carter là một bà mẹ có đứa con gái 15 tuổi tên Kaneesha trong bộ phim Clean on me. Vì cô có Kaneesha lúc cô 15 tuổi, nên cô cho rằng đứa con của cô cũng có thể đứng vững trên đôi chân của mình nên cô buộc con gái của mình thôi học và phải sống tự lập như cô. Vì có Kaneesha nên cuộc đời Carter đã phải nghỉ học, sống không hạnh phúc, lúc nào cũng về nhà lúc nửa đêm và không có sự sống. Cô đay nghiến cuộc sống của mình và một cách vô tình Carter làm tổn thương con gái cô. Đôi khi, trong cuộc sống; chúng ta yêu nhau nhưng chưa phải cách, và vô tình nhận về vô số những tổn thương.

Để có thể tồn tại, bản ngã thực sự của đứa trẻ- thứ đã bị tổn thương nghiêm trọng phải lẩn trốn vào sâu bên trong tầng vô thức của tâm trí. Thứ xuất hiện bên ngoài là một bản ngã hay tiềm thức giả mạo và nó đang cố gắng giành quyền kiểm soát cuộc đời của chúng ta nhưng không thể thành công. Đơn giản, bởi vì nó chỉ là một cơ chế phòng vệ để tránh không bị tổn thương. Như tôi đã nói, trong vùng vô thức của mỗi người thì nó vẫn tồn tại ở đó, rất sống động và sẵn sàng “sống lại” bất cứ lúc nào có dịp.

Người ta thường nói, con người lớn lên từ những vấp ngã, trưởng thành từ những tổn thương và thật sự hoàn thiện khi nó dạy cho những nỗi đau biết cười. Bất kì ai khi tồn tại trên mặt đất cũng đều phải đối diện với những nỗi đau của riêng mình, đều phải chịu những thương tích, những nỗi đau. Cuộc sống không có sự ngoại lệ và ưu ái dành riêng cho một ai đó trong hành trình này.

Cùng đón nhận những nỗi đau, có người trở nên cứng cáp, bản lĩnh, lại có người rụt rè, hèn nhát. Cùng đứng trước thất bại, có người mạnh mẽ đứng lên, có người thu mình trong tiếc nuối, hoang mang, hoảng sợ. Trong đời, tất yếu rằng ai rồi cũng khác, ai rồi cũng phải thay đổi, chỉ là nó đến sớm hay muộn mà thôi. Điều gì làm ta thay đổi không quan trọng bằng ta thay đổi như thế nào. Tốt hơn hay xấu đi? Tích cực hơn hay tiêu cực đi? Là do chúng ta lựa chọn và nhận lấy.

Có lẽ, khi chúng ta gọi tên chính xác những gì đã xảy ra với chúng ta, chúng ta sẽ học được cách cho phép bản thân trải qua những nỗi đau cảm xúc thay vì tránh né nó. Để nỗi đau có một tiếng nói và ý nghĩa nhất định trong cuộc đời, để ta có thể yêu được cả những nỗi đau của mình khi đã trải nghiệm nó, mặc dầu không hề dễ chịu tý nào. Và có lẽ chính những nỗi đau đó làm ta không ngừng lớn lên và trưởng thành hơn, để chúng ta sống trọn vẹn và hết mình với đời, với người. Đi qua những cơn đau, để ta biết, nó không riêng mình ta.
Có lẽ khi ta cho phép mình được trải nghiệm nỗi đau bao lâu nay bị đè nén, cho phép bản thân được quyền đau khổ. Hành trình dai dẳng đó cần một chút nhẫn nại và chịu đựng, cần một chút phó thác và tin tưởng…chúng ta dần dần giải phóng bản thân khỏi những giằng xé nội tâm chưa được giải quyết suốt nhiều năm qua.
Qua đó, để biết rằng: Cuộc sống là cái gì đó đang đi qua trong khi bạn sao nhãng, quá khứ là chuyện đã xảy ra, tương lai sẽ luôn là một điểm đến còn chưa xác định. Chỉ có trong hiện tại, bạn được sinh lại từng ngày, từng ngày với con tim và đôi mắt mới.
Tôi vẫn luôn tin rằng, hôm nay là ký ức của ngày mai, cuộc đời là sự cộng dồn những ký ức và những ký ức tạo ra cuộc đời. Tôi không biết phía trước sẽ xảy ra những chuyện gì, sẽ ra sao, như thế nào, tôi thực sự không biết. Nhưng tôi biết chắc một điều, tôi phải sống hết mình trong giây phút hiện tại của cuộc đời, tròn đầy nhất, trọn vẹn nhất. Để một mai tôi không phải hối tiếc về những gì tôi đã sống và để tôi tự chữa lãnh những nỗi đau của chính tôi. Còn bạn thì sao?

Que Diem
(quenguyen.ajc@gmail.com)


MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG SÀI GÒN